Người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút, theo Nghị định 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành cuối tuần qua, thay thế cho Nghị định 72/2013 và 27/2018. Văn bản này đề cập và đưa ra phương án giải quyết thực trạng đang rất nhức nhối hiện nay – trẻ em, trẻ vị thành niên dành quá nhiều thời gian cho trò chơi điện tử.
Theo Nghị định 147 vừa được Chính phủ ban hành, các nhà cung cấp trò chơi điện tử phải đảm bảo rằng: “Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp;” (Trích trang 63, Nghị định 147/2024/NĐ-CP). Mục đích của quy định này là bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, giúp hạn chế tác động tiêu cực từ việc chơi game quá lâu.
Nghị định cũng nêu rõ là không quá 180 phút/ngày với tất cả các trò chơi. Chính vì vậy, mọi phương pháp “lách luật” mà game thủ trẻ có thể nghĩ ra đều sẽ không hợp lệ.
Ngay sau khi thông tin này được Fanpage chính thức của Chính phủ công bố trên mạng xã hội, nhiều bậc phụ huynh đã thể hiện sự đồng tình và ủng hộ tuyệt đối phương án này. Điều này cũng chứng minh được thực trạng con trẻ đắm mình vào trò chơi điện tử là chuyện không của riêng ai trong thời điểm hiện tại
Nghị định 147 bổ sung các yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với việc cấp phép dịch vụ trò chơi điện tử. Các doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ trò chơi phải đáp ứng 11 điều kiện, bao gồm các yêu cầu về kỹ thuật, tài chính, nhân sự và kết nối mạng. Một trong những yêu cầu quan trọng là doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống giám sát thời gian chơi game của người dưới 18 tuổi, đảm bảo không vượt quá 60 phút mỗi trò chơi và 180 phút cho tất cả các trò.
Ngoài ra, nhà phát hành phải tuân thủ quy định: “Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo và phát hành; có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở điểm đầu của trò chơi (nếu có) và trên trang thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong thời gian chơi trò chơi;” (Trích trang 63, Nghị định 147/2024/NĐ-CP). Điều này giúp nhắc nhở người chơi về các rủi ro khi sử dụng quá nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử.
Nghị định 147 mở rộng phạm vi áp dụng so với Nghị định 27/2018. Trước đây, giới hạn thời gian 180 phút chỉ áp dụng cho các trò chơi G1 (có sự tương tác giữa người chơi qua hệ thống máy chủ). Tuy nhiên, theo nghị định mới, các trò chơi thuộc các loại G1, G2, G3, G4 (bao gồm cả online, offline và trò chơi có tương tác với máy) đều phải tuân thủ quy định về thời gian chơi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung cấp trò chơi phải lưu trữ và cập nhật thông tin của người chơi như họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam và yêu cầu xác thực tài khoản người chơi qua số điện thoại. Đặc biệt, với người dưới 16 tuổi, thông tin phải được đăng ký bởi cha mẹ hoặc người giám hộ.
Sau khi được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp muốn phát hành trò chơi phải tiếp tục tuân thủ các yêu cầu về nội dung trò chơi, bao gồm phân loại theo độ tuổi và đảm bảo trò chơi không mô phỏng các hoạt động trong casino, không sử dụng hình ảnh lá bài cũng như không chứa các nội dung bạo lực, khiêu dâm hay vi phạm thuần phong mỹ tục.
Cuối cùng, Nghị định 147 cũng đưa ra quy định về vật phẩm ảo, yêu cầu các vật phẩm này không được quy đổi thành tiền hoặc thẻ trả trước và không được phép mua bán giữa người chơi với nhau. Theo dõi gameorb.vn để cập nhật những tin game mới nhất nhé!